Vai trò của đánh giá gia đình

Vai trò của đánh giá gia đình

Gia đình là một tế bào của xã hội, là môi trường sống bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Trong môi trường sống của các gia đình có các yếu tố khác nhau như: vệ sinh môi trường, kinh tế, quan hệ xã hội, tương tác giữa các thành viên, tôn giáo, văn hóa tập quán, tâm lý… có thể ảnh hưởng có lợi hoặc có hại đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị người bệnh, người thầy thuốc càng có nhiều thông tin về gia đình bệnh nhân càng có lợi trong hỗ trợ người bệnh, nó cũng tác động đến kết quả chăm sóc, điều trị người bệnh. Các thành viên trong gia đình có thể có cùng nguy cơ chung về bệnh tim mạch như: thói quen hút thuốc lá, béo phì và tăng cholesterol máu. Gia đình có ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực hoặc ngược lại đối với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tham gia của gia đình  có bệnh nhân tăng huyết áp có tác động rất lớn đến sự tuân thủ điều trị , kiểm soát huyết áp tốt hơn và kết quả là giảm tử vong ở người bệnh.

Các yếu tố bảo vệ gia đình gồm khả năng thích ứng tinh thần của cha mẹ, sự gần gũi liên kết trong gia đình, mối quan hệ của bệnh nhân, gia đình, người chăm sóc, thời gian gia đình dành cho các giải trí mang tính sáng tạo, góp phần tạo ra môi trường tâm lý, thoải mái sảng khoái của các thành viên trong gia đình. Các yếu tố nguy cơ của các thành viên trong gia đình: các mấu thuẫn nội bộ của một số thành viên trong gia đình, tạo nên môi trường căng thẳng, tạo nên những sang chấn tâm lý có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến những hành vi không có lợi cho sức khỏe như: hút thuốc, uống nhiều rượu… Ngoài ra các thành viên trong gia đình có thể có các yếu tố nguy cơ khác từ bên ngoài như: ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng đều tác động cả mặt tích cực và tiêu cực đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Để có đầy đủ các thông tin cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe của từng cá nhân và gia đình, người thầy thuốc cần đánh giá đủ các đặc điểm của gia đình bệnh nhân. Việc đánh giá gia đình được thực hiện tốt sẽ giúp người thầy thuốc có được bức tranh toàn cảnh bao gồm các đặc điểm về di truyền, tâm lý, thể chất của các thế hệ trong gia đình  trên cơ sở đó xác định được các yếu tố bệnh lý, vấn đề sức khỏe hay gặp của các giai đoạn trong vòng đời của các thành viên trong gia đình, giúp đưa ra các quyết định chăm sóc hợp lý, kịp dựa trên ngữ cảnh của gia đình người bệnh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*