Contents
HPQ là một trong những bệnh phổi mạn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới. Bệnh gặp mọi lứa tuổi và tất cả các nước.
I.. KHÁI QUÁT
1.. Định nghĩa
HPQ là bệnh không đồng nhất, đặc trưng bởi tình trạng viêm đường thở mạn tính. Bệnh được xác định bởi tiền sử có các triệu chứng hô hấp như thở rít, khó thở, nặng ngực và ho; tần suất và mức độ nặng của các triệu chứng thay đổi theo thời gian do sự biến đổi mức độ tắc nghẽn đường thở.
2.. Dịch tễ học
Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 300 triệu người mắc HPQ. Theo GINA (2010): dịch tễ học của HPQ trên thế giới có những thay đổi trong những năm gần đây, sự khác biệt về tỷ lệ hen giữa các quốc gia, khu vực giảm dần. Tỷ lệ hen ở khu vực Bắc Mỹ, các nước Tây Âu giảm, trong khi tỷ lệ hen ở các nước ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á gia tăng (đây là những nơi mà trước đây tỷ lệ lưu hành hen tương đối thấp). Ở các nước phát triển, các nước Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương tỷ lệ này gia tăng với tần suất dao động 3-7% dân số, tùy theo từng nước rất khác nhau. Tỷ lệ HPQ trung bình là 5% người trưởng thành và 10% ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Ở Việt Nam, tỷ lệ HPQ dao động từ 3,9 – 5,5% (tùy theo từng nghiên cứu).
3..Nguyên nhân và các yếu tố làm xuất hiện cơn hen
Các yếu tố nguy cơ của HPQ gồm hai nhóm: các yếu tố liên quan tới nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố làm bùng phát cơn hen. Vai trò chính xác của các yếu tố này chưa rõ ràng. Một số yếu tố khác (dị nguyên) rơi vào cả hai loại trên.
3.1. Yếu tố di truyền
Có vai trò rõ rệt trong hen phế quản, chiếm 40-60% các trường hợp. Nhiều tác giả cho rằng nếu thấy cả bố và mẹ mắc hen thì khả năng con mắc hen là 30%. Nếu cha và mẹ không mắc thì khả năng con mắc hen là 10%.
3.2. Dị ứng và cơ địa dị ứng
Dị ứng là phản ứng khác thường của cơ thể đối với sự tác động của yếu tố môi trường. Cơ địa dị ứng là tình trạng tăng nhạy cảm của cơ thể. Đây là yếu tố mạnh nhất trong HPQ.
3.3. Dị nguyên
Trong HPQ các dị nguyên được quan tâm nhất là bụi nhà, phấn hoa, lông động vật, vi khuẩn, virus, một số thuốc….
3.4. Gắng sức
Gắng sức có thể làm xuất hiện cơn HPQ sau 1- 10 phút.
3.5. Yếu tố thời tiết
Bệnh nhân HPQ rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết. Cơn hen thường xuất hiện khi giao mùa, trời lạnh, lúc nửa đêm về sáng.
3.6. Yếu tố nội tiết
Cường giáp có thể làm HPQ khó kiểm soát hơn. Ngược lại suy giáp làm cho việc điều trị HPQ có hiệu quả hơn. Khi mang thai cơn hen có thể xuất hiện từ tuần thứ 17- 24 và giảm đi vào 4 tuần cuối của thai kỳ.
3.7. Môi trường ô nhiễm
Do chất thải công nghiệp, bụi, vi khuẩn, nấm mốc… trong môi trường ngày càng tăng lên.
3.8. Yếu tố khác
Khói thuốc, thức ăn, tình trạng kinh tế, một số thuốc cũng liên quan tới HPQ
4..Cơ chế bệnh sinh của hen phế quản
Cơ chế bệnh sinh của HPQ rất phức tạp, có nhiều yếu tố khác nhau tác động, tham gia vào quá trình viêm, gồm dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa, lông vũ, vi khuẩn, nấm mốc…. tiếp đó là vai trò của kháng thể IgE và các tế bào gây viêm.
Sự kết hợp giữa dị nguyên và IgE (gắn trên bề mặt tế bào mast, bạch cầu ái kiềm) sẽ gây vỡ các tế bào này. Khi các tế bào này bị phá vỡ, gây thoát các túi chứa các hoạt chất trung gian hóa học của phản ứng viêm. Sau đó, các túi này sẽ vỡ ra và giải phóng hàng loạt các hoạt chất trung gian hóa học như histamin, bradykinin, leucotriene, serotonin….gây nên tình trạng viêm, phù nề niêm mạc phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, và tăng tiết chất nhầy, từ đó xuất hiện các triệu chứng của cơn hen.
II. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
- Đặc điểm của cơn hen
Đây là triệu chứng chính của hen phế quản, cơn khó thở thể tự hồi phục hoàn toàn.
- Dấu hiệu báo trước: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan…
- Cơn khó thở xuất hiện đột ngột khi thay đổi thời tiết thường vào ban đêm, nặng nhất vào lúc 3 – 4h sáng.
- Khó thở ra chậm, thở rít lên, mức độ nặng nhẹ rất thay đổi, đây là dấu hiệu đặc hiệu của hen.
- Cơn khó thở có thể tự hết, không phải dùng thuốc hoặc giảm đi và hết nhanh chóng sau khi dùng thuốc giãn phế quản (nhất là thuốc chủ vận b2).
- Khi cơn hen giảm: bệnh nhân khạc ra đờm trắng quánh, dính giống hạt trai hoặc hạt bột sắn chín.
- Bệnh nhân có thể ho khan mạn tính nhiều hơn là khó thở, dùng thuốc giãn nở phế quản có thể làm hết ho.
III. TRIỆU CHỨNG CẬN LÂM SÀNG
- Thăm dò chức năng thông khí phổi
- Đo chức năng thông khí phổi ngoài cơn hen: bình thường;
- Gợi ý chẩn đoán hen phế quản khi thấy bằng chứng của rối của rối loạn thông khí tắc nghẽn, hồi phục với thuốc giãn phế quản hoặc các thuốc khác
- FEV1/FVC < 70%;
- Hồi phục với thuốc giãn phế quản (test hồi phục phế quản): FEV1 tăng > 12% và 200 ml so với trị số ban đầu sau xịt thuốc giãn phế quản;
- Biến đổi PEF về đêm dao động > 10%
- FEV1 tăng > 12% hoặc PEF tăng rõ rệt sau 4 tuần điều trị
- Đo khí máu động mạch
Thường làm trong cơn hen nặng:
- PaO2 giảm, có khi < 60mmHg.
- PaCO2 thường giảm trong cơn hen nhẹ. Trường hợp hen nặng, nguy kịch: PaCO2 tăng.
- pH máu tăng nhẹ trong cơn hen nhẹ. Trường hợp hen nặng, nguy kịch: thấy hình ảnh toan hô hấp.
- Một số xét nghiệm khác:
- X-quang phổi: hình ảnh X quang phổi bình thường, có thể thấy hình căng giãn phổi trong cơn hen;
- Công thức máu: có thể thấy bạch cầu ái toan tăng;
- Xét nghiệm đờn: tinh thể Charcot – Leyđen, hình xoắn Curschmann.
Để lại một phản hồi