CHĂM SÓC PHỤ NỮ TRƯỚC VÀ TRONG KHI MANG THAI

 I. CHUẨN BỊ CÓ THAI

1.1.Chuẩn bị sức khỏe cho vợ

–     Không nên mang thai khi sức khoẻ không tốt, khi đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng.

–   Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

–   Nếu có bệnh đường sinh dục cần điều trị khỏi trước khi mang thai.

–   Chuẩn bị tốt về tư tưởng, tâm lý để an tâm và thoải mái khi mang thai.

–   Chuẩn bị cả thời gian và kinh tế để khi mang thai có đủ thời gian nghỉ ngơi và không lo lắng.

1.2. Chuẩn bị sức khỏe cho chồng

–   Bồi dưỡng sức khoẻ.

–   Không dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, ma tuý, thuốc lá…

–   Chuẩn bị tư tưởng và tinh thần tốt.

–   Điều trị bệnh đường sinh dục (nếu có)

II. CHẨN ĐOÁN MANG THAI

2.1. Triệu chứng lâm sàng

–   Mất kinh đột ngột và hoàn toàn.

–   Nghén: buồn nôn hoặc nôn khi sáng sớm, thay đổi khẩu vị …

–   Thay đổi ở vú: tăng kích thước, cảm giác thấy vú căng hơn, đau, quầng vú đậm màu.

–   Thay đổi về thần kinh: dễ bị kích động, ngủ nhiều, mệt mỏi…

–   Quan sát thấy âm hộ, âm đạo sẫm màu hơn bình thường.

–   Nếu khám âm đạo sẽ có: dấu hiệu Hegar (eo tử cung mềm), dấu hiệu Noble (thân tử cung to lên).

2.2. Cận lâm sàng

–   Test thử thai sớm (+).

–   Siêu âm: hình ảnh túi ối trong buồng tử cung.

III. CHĂM SÓC KHI MANG THAI

3.1. Mục đích

–     Giúp thai phụ được khoẻ mạnh, để cả mẹ và con phát triển bình thường trong suốt thời kỳ thai nghén.

–   Giúp phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể có trong quá trình thai nghén.

–   Giúp thai phụ biết cách tự theo dõi bản thân, biết điều nên làm, việc nên tránh để quá trình thai nghén được an toàn ở mức cao nhất

–     Giúp thai phụ biết các mốc khám thai, theo dõi sự phát triển của thai, để có một thai kỳ khỏe mạnh.

–   Giúp cho việc sinh đẻ của thai phụ an toàn nhất.

–   Giúp cho thai phụ nuôi con và chăm sóc con sau khi sinh tốt nhất.

–   Góp phần làm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và thai nhi.

–   Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình thai phụ.

3.2. Những nội dung cần chăm sóc cho phụ nữ khi mang thai

3.2.1.  Khám thai

–   Mục đích:

+   Phát hiện thai bất thường hay bình thường.

+   Phát hiện các trường hợp thai nghén có nguy cơ cao.

+   Giảm tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và thai nhi.

+   Lựa chọn nơi sinh an toàn nhất cho sản phụ.

–   Yêu cầu:

+   Số lần khám thai định kỳ :

  • Theo quy định của Bộ Y Tế, trong một thai kỳ, người mẹ phải được khám thai ít nhất 03 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
  • Tuy nhiên nếu khám đầy đủ thì phải là 13 lần đối với một thai kỳ bình thường (38 tuần), còn những thai kỳ nguy cơ cao như thai phụ có bệnh tim mạch, nhiễm độc thai nghén… thì số lần khám thai sẽ nhiều hơn.

–   Lần khám đầu tiên bắt đầu ngay vài ngày sau khi mất kinh hay trễ kinh, để xác định có thai bình thường. Sau đó:

–  Mỗi 4 tuần khám 1 lần cho đến khi thai được 28 tuần.

–  Mỗi 2 tuần khám 1 lần sau khi tuổi thai từ 28 tuần đến 36 tuần.

–  Từ tuần thứ 36 mỗi tuần khám 1 lần.

+     Đến khám bất cứ lúc nào khi có dấu hiệu bất thường. Cần cho thai phụ biết những dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay, vì đó là những nguy cơ có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con như: ra máu, ra nước ối, đau bụng từng cơn, có cơn đau bụng dữ dội, sốt, khó thở, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, phù, đi tiểu ít, tăng cân nhanh, thai đạp yếu, đạp ít hay không đạp.

+   Khám lần sau đúng hẹn.

3.2.2.  Những nội dung cần chăm sóc trong thời kỳ đầu của thai nghén (4,5 tháng đầu)

3.2.2.1.    Về dinh dưỡng

Trước hết cần cho thai phụ biết rõ lợi ích của dinh dưỡng. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp cho:

–   Mẹ có sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh nên ít mắc bệnh.

–   Mẹ không bị thiếu máu khi có thai: nếu bà mẹ dinh dưỡng không tốt, ăn uống kiêng khem thì cơ thể sẽ không đủ nguyên liệu để tạo máu, dễ dàng dẫn đến thiếu máu.

–     Con không bị nhẹ cân (suy dinh dưỡng): mẹ được nuôi dưỡng tốt thì con cũng nhờ đó được hưởng các chất dinh dưỡng từ mẹ cung cấp, vì thế thai sẽ phát triển bình thường, không bị đẻ non, khi đẻ bà mẹ cũng ít phải can thiệp.

Về chế độ ăn khi có thai: cần giúp cho thai phụ hiểu đúng nghĩa “ăn no” và “ăn đủ”.

–   Ăn no: để ăn no khi có thai bà mẹ cần:

+     Tăng khẩu phần ăn lên 1/4 so với lúc chưa có thai. Có thể ăn nhiều hơn trong mỗi bữa, có thể ăn nhiều bữa hơn. Để ăn được nhiều hơn như thế, cần thay đổi món ăn, thay đổi cách chế biến sao cho ngon miệng.

+   Trường hợp những tháng đầu, do tình trạng nghén, ăn uống có thể kém đi thì tăng cường nghỉ ngơi để đỡ tốn thêm năng lượng.

–     Ăn đủ: để ăn đủ chất, không nên nói bà mẹ mỗi ngày cần bao nhiêu gam chất đạm, chất béo, chất bột đường hay muối khoáng, vitamin hoặc cần phải cung cấp bao nhiêu calo, vì những điều đó không thực tế (trừ trường hợp thai phụ hỏi đến). Vấn đề cần nói với thai phụ là nêu lên tất cả những thức ăn có chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, ếch, lươn, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ nhất là đậu tương. Các thức ăn chứa nhiều chất mỡ như dầu ăn, thịt, vừng, lạc. Các loại nhiều chất bột đường như gạo, ngô, khoai, sắn, củ mài, bột mì, đường, mật, mía, các loại quả ngọt. Các thức ăn chứa nhiều muối khoáng và vitamin như rau tươi, hoa quả các loại, các thực phẩm như tôm, cua, ốc. Nên khuyên thai phụ không nên kiêng bất cứ loại thực phẩm nào họ vẫn ưa thích. Tuy nhiên không thể ép buộc họ ăn những thứ họ không ăn được. Tốt nhất là lựa chọn những thực phẩm nào cùng loại, nhưng họ không kiêng thì giới thiệu. Ví dụ thai phụ không muốn ăn thịt bò thì khuyên ăn thịt gà, thịt lợn; kiêng rau cải thì khuyên ăn rau ngót, xu hào, xúp lơ; khi không dám ăn xoài, ăn mít thì khuyên họ ăn cam, ăn táo… Ngoài ra nếu thai phụ là người có bệnh mạn tính đã được theo dõi điều trị, cần phải có chế độ ăn kiêng thì khi có thai họ vẫn cần một chế độ ăn hạn chế các thức ăn đó và nên khuyên họ hỏi ý kiến thầy thuốc chuyên khoa điều trị bệnh cho họ trước đây.

3.2.2.2. Về chế độ làm việc khi có thai

–   Cần khuyên thai phụ làm việc theo khả năng, dù bất cứ công việc gì cũng không bao giờ làm việc quá sức:

+     Nếu công việc trước khi có thai là công việc không nặng nhọc như dạy học, làm việc ở văn phòng, thì họ có thể làm việc bình thường cho đến khi nghỉ đẻ (trước ngày dự kiến đẻ một tháng).

+     Nếu là công việc nặng nhọc hay độc hại như bốc vác, phải gánh gồng, đội nặng, phải tiếp xúc với hoá chất (thuốc trừ sâu, xăng dầu, chất phóng xạ…) thì khuyên nên xin chuyển tạm thời sang công việc khác trong thời gian thai nghén và nuôi con nhỏ.

–   Trong thời gian thai nghén không làm việc ở trên cao (dễ bị tai nạn) và ngâm mình dưới nước (dễ nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn), nhất là nước ao tù, cống rãnh.

–   Trong thời gian làm việc nên xen kẽ những phút nghỉ ngơi giữa giờ.

+   Nếu đang lao động thấy người mệt mỏi, đau bụng thì nên nằm nghỉ để các cơ thư dãn.

+   Nếu thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng vùng dưới xương ức thì nên đi khám kiểm tra xem có bất thường do thai nghén hay không.

–     Vào tháng cuối trước ngày dự kiến đẻ cần nghỉ ngơi để mẹ có sức, con tăng cân. Tuy thế không nghỉ ngơi một cách hoàn toàn, mà nên làm các công việc nhẹ trong nhà, đi lại vận động cho máu lưu thông.

–   Cần đảm bảo ngủ mỗi ngày ít nhất 8 giờ. Nên ngủ trưa từ 30 phút đến một giờ.

Không thức khuya, dậy sớm. Không làm việc ban đêm. Nếu công việc phải làm ca đêm (xí nghiệp sản xuất, trực đêm của cán bộ y tế) thì nên xin chuyển sang làm ca ngày, đặc biệt thai nghén ba tháng cuối nhất thiết không để người có thai phải làm việc đêm.

3.2.2.3. Về vệ sinh thân thể

–     Tắm rửa, thay quần áo hàng ngày. Tắm trong nhà tắm, kín đáo, tránh gió lùa. Không tắm sông, tắm suối, nhất là không tắm trong ao hồ nước tù đọng. Mùa lạnh cần tắm nước nóng.

–     Hàng ngày vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài bằng cách dùng gáo dội rửa (hoặc bằng vòi hoa sen). Không xịt nước hay cho ngón tay vào rửa bên trong. Hậu môn là phần rửa cuối cùng. Có thể rửa bằng xà phòng ít chất ăn da (xà phòng thơm), không được rửa bằng bột giặt.

–     Trong thời kỳ thai nghén, bộ phận sinh dục thường tiết dịch nhiều hơn lúc không có thai, vì thế vệ sinh tại chỗ càng phải thực hiện thường xuyên, đều đặn hàng ngày (nên thực hiện 2 lần sáng – tối và sau mỗi lần đại tiện).

–     Khi có thai chăm sóc vú bằng cách lau rửa vú hàng ngày với khăn vải mềm. Xoa bóp, nặn, kéo núm vú đều đặn nếu núm vú thụt vào trong để tạo điều kiện nuôi con sau này. Khi xoa bóp vú ở những tháng cuối, nếu thấy bụng co cứng từng cơn thì ngừng lại.

–     Tránh tiếp xúc với người ốm, bị sốt bất kỳ do nguyên nhân gì để tránh lây bệnh truyền nhiễm.

3.2.2.4. Về sinh hoạt

–     Cần có cuộc sống thoải mái, ấm cúng trong gia đình. Tránh lo lắng, căng thẳng trong sinh hoạt. Điều này đòi hỏi sự thông cảm và quan tâm tạo điều kiện của các thành viên khác trong gia đình thai phụ.

–     Cần ở nơi thoáng đãng, sạch sẽ, không khí trong lành, không có khói bếp, khói thuốc lá, thuốc lào.

–   Mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nếu cần sưởi thì không sưởi bằng lò than trong buồng kín. Tốt hơn là ủ ấm bằng các chai hay túi chườm nước nóng được bọc trong khăn vải.

–     Về quan hệ tình dục: không phải kiêng tuyệt đối nhưng cần hạn chế, có sự thông cảm và nhẹ nhàng, với tư thế thích hợp của người chồng. Nếu đã bị sẩy thai ở lần thai nghén trước thì cần rất hạn chế và nên kiêng hẳn trong ba tháng đầu và ba tháng cuối.

–     Khi có thai nên tránh phải đi xa. Nếu bắt buộc phải đi thì nên chọn phương tiện nào an toàn, êm, ít xóc nhất.

3.2.3.  Những nội dung cần hướng dẫn thai phụ trong giai đoạn sau của thai nghén (4,5 tháng cuối)

Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đẻ sắp tới

–     Hướng dẫn thai phụ chuẩn bị sẵn sàng các đồ dùng cần thiết cho cuộc đẻ: các loại áo quần, khăn, mũ của mẹ, của con. Các khăn lau rửa cho con (khăn nhỏ, vải mềm), khăn và giấy vệ sinh cho mẹ. Các loại thìa, cốc, bát để dùng cho con. Thuốc nhỏ mắt, thuốc sát khuẩn (cồn 70º) và các túi thay băng rốn, phấn rôm… Tất cả các vật dụng trên nên sắp xếp gọn để sau này dùng cho em bé.

–   Đến gần ngày dự kiến sinh, thai phụ không nên đi xa.

–   Nên đi khám thai lần cuối để nhận được lời khuyên của cán bộ y tế và tuân theo chỉ dẫn và sự lựa chọn nơi sinh do cán bộ khám thai nêu ra.

–     Nên bàn bạc trước với chồng và người thân trong gia đình, thu xếp công việc sao cho thuận lợi chu đáo lúc đi đẻ. Cũng cần chuẩn bị sẵn phương tiện đi lại khi cuộc chuyển dạ diễn ra đột ngột, ngay cả về ban đêm để khỏi lúng túng bị động.

–   Hướng dẫn thai phụ các dấu hiệu cần đi khám ngay như: sốt, ra máu, ra nước ối, nhức đầu, hoa mắt, thai đạp yếu…

–     Thai phụ có sẹo mổ ở tử cung (thường là mổ đẻ cũ) cần được đến bệnh viện trước ngày dự kiến đẻ một tuần đến 10 ngày để tránh tai biến.

–     Khi thấy bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ nên tắm gội bằng nước ấm, thay áo quần sạch sẽ trước khi đến nhà hộ sinh.

3.2.4.  Những nội dung cần hướng dẫn thai phụ HIV (+)

–   Nếu thai phụ muốn phá thai, tư vấn cho họ thực hiện càng sớm càng tốt (tốt nhất là < 22 tuần).

–   Nếu không muốn phá thai, tư vấn cho họ để theo dõi thai nghén, và được dùng thuốc dự phòng cho con.

–   Tư vấn cho thai phụ về khả năng chỉ phòng lây nhiễm được trong 3/4 trường hợp mặc dù đã uống thuốc đầy đủ.

–  Tư vấn cho thai phụ nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong khi có thai, trong lúc chuyển dạ và thời kỳ cho con bú.

+     Giai đoạn mang thai: HIV có khả năng lây truyền cho thai qua bánh rau. Sự lây truyền này có thể xảy ra trong suốt thời kỳ thai nghén, nhưng tỷ lệ lây truyền cao khi tuổi thai trên 18 tuần.

+     Trong quá trình chuyển dạ: sự lây truyền HIV thường xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Đó là do cơn co tử cung đẩy máu mẹ mang theo HIV vào tuần hoàn bánh rau hoặc đứa trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo có chứa HIV, nhất là những trường hợp đẻ khó, ối vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài, có nhiều tổ chức của mẹ bị dập nát…

+   Giai đoạn cho con bú: sự lây truyền HIV qua sữa mẹ là cách lây truyền hay gặp nhất.

Nguy cơ này có liên quan đến thời gian cho con bú dài hay ngắn.

–   Tư vấn cho thai phụ hiểu người nhiễm HIV khi có thai, sức khoẻ giảm sút, bệnh AIDS sẽ tiến triển nhanh hơn.

–     Nếu thai phụ ở trong thời kỳ đầu của thai nghén (4,5 tháng đầu): tư vấn giống nội dung 3.2.2 ở trên.

–     Nếu thai phụ ở trong thời kỳ sau của thai nghén (4,5 tháng sau): tư vấn giống nội dung 3.2.3 ở trên.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*