Các bài thuốc điều trị ỉa chảy mạn tính

Đã có rất nhiều người biết về các bài thuốc điều trị ỉa chảy cấp, bên cạnh đó ỉa chảy mạn tính là bệnh cũng không thể coi thường được. Dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn những phương thuốc điều trị ỉa chảy mạn tính theo y học cổ truyền.

Ỉa chảy mạn tính là bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.

1. Tỳ vị hư:

Gặp trong rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, loạn khuẩn, viêm đại tràng mạn.

  • Triệu chứng: mệt mỏi, ăn ít, sắc mặt vàng nhợt, phân nát, sống phân, phù dinh dưỡng, chất lưỡi nhạt, mạch nhu hoãn.
  • Phương pháp chữa: bổ tỳ vị.
  • Các bài thuốc:

Bài 1: gồm: bổ chính sâm: 12g, hoài sơn: 12g, ý dĩ sao: 12g, sa nhân: 8g, trần bì: 8g, gừng khô: 6g, vỏ rụt: 6g. Sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 2: bài “Tứ quân tử thang gia giảm” gồm: Bạch truật: 12g, đảng sâm: 12g, hoài sơn: 12g, ý dĩ: 12g, phục linh: 8g, trần bì: 8g, cam thảo: 6g, sa nhân: 6g.

Bài 3: bài “Sâm linh bạch truật tán” gồm: đảng sâm: 12g, biển đậu: 12g, bạch truật: 12g, ý dĩ sao: 12g, liên nhục: 12g, cam thảo: 6g, trần bì: 6g, cát cánh: 6g. Đem tán thành bột uống 20g/ngày hoặc sắc uống 1 thang/ngày.

Ngoài ra có thể phối hợp cứu tại các huyệt trung quản, thiên khu, đại hoành, tỳ du, vị du, túc tam lý…

2. Thận dương hư:

Gặp ở người cao tuổi bị ỉa chảy mạn, người dương hư…

  • Triệu chứng: sôi bụng, đau bụng vùng hạ vị, hay đi ngoài vào buổi sáng, sống phân, bụng lạnh trướng, ăn kém, chậm tiêu, chân tay lạnh, mạch trầm tế nhược.
  • Phương pháp chữa: ôn bổ tỳ thận dương, cố sáp.
  • Các bài thuốc:

Bài 1: gồm: nụ sim: 20g, trần bì: 20g, phá cố chỉ: 20g, thỏ ty tử: 20g, vỏ ổi dộp: 12g, vỏ quả lựu: 12g, gừng khô: 8g, quế: 6g. Đem tán nhỏ uống 20g/ngày.

Bài 2: gồm: bố chính sâm: 12g, tục đoạn: 12g, củ mài: 12g, phá cố chỉ: 12g, nhục quế: 8g, can khương: 8g, vỏ rụt: 8g, sa nhân: 8g, vỏ quýt: 8g. Đem tán bột uống 20g/ngày.

Bài 3: bài “Tứ thần hoàn (thang)” gồm: phá cố chỉ: 16g, nhục đậu khấu: 8g, ngô thù: 8g, ngũ vị tử: 6g. Đem tán nhỏ uống 20g/ngày hoặc sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 4: bài “Phụ tử lý trung thang” phối hợp “Tứ thần thang” gồm: đảng sâm: 12g, bạch truật: 12g, phá cố chỉ: 12g, phụ tử chế: 8g, can khương: 6g, cam thảo sao: 6g, nhục đậu khấu: 6g, ngũ vị tử: 6g, ngô thù: 4g.

Ngoài ra có thể phối hợp cứu tại các huyệt quan nguyên, khí hải, quy lai, thận du, mệnh môn, tỳ du, túc tam lý…

3. Can tỳ bất hòa:

Thường gặp ở người ỉa chảy do tinh thần.

  • Triệu chứng: lúc giận dữ, suy nghĩ, kích động sẽ bị ỉa chảy, đau bụng, đầy bụng, sôi bụng, ợ chua, ăn kém, ngực sườn đầy tức, mạch huyền.
  • Phương pháp chữa: điều hòa can tỳ.
  • Các bài thuốc: 

Bài 1: gồm: cát căn: 12g, rau má: 12g, đảng sâm: 12g, cam thảo dây: 12g, cúc hoa: 8g, sa tiền tử: 8g. Sắc uống.

Các phương thuốc điều trị ỉa chảy mạn tính.

Bài 2: bài “Thống tả yếu phương” gồm: bạch truật: 16g, phòng phong: 12g, bạch thược: 12g, trần bì: 8g. Sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 3: bài “Thống tả yếu phương” phối hợp “Tứ nghịch tân gia giảm” gồm: sài hồ: 12g, phòng phong: 8g, bạch thược: 8g, bạch truật: 8g, cam thảo: 6g, trần bì: 6g, chỉ xác: 6g. Trường hợp ỉa chảy kéo dài thì thêm ô mai: 8g, mộc qua: 12g; trường hợp đầy bụng thì thêm mộc hương: 6g, hương phụ: 6g.

Ngoài ra có thể phối hợp châm tại các huyệt thái xung, kỳ môn, can du, tỳ du, túc tam lý, nội quan.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*