Các bài tập vận động được khuyến cáo cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính
1. Đại cương
– Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tập thể dục đều đặn vừa với sức của mình sẽ giúp tăng cường sức khỏe, nhờ đó các bắp thịt chắc khỏe hơn, các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai hơn, lâu mệt hơn và giảm bớt nhu cầu oxy, giảm bớt cảm giác khó thở. Tập thể dục đều đặn cũng giúp cho máu lưu thông tốt và cơ thể sử dụng oxy tốt hơn, tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống loãng xương, chống teo cơ cứng khớp…Hiệu quả của thể dục và vận động đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được các nhà khoa học chứng minh rất rõ rệt và là một phần trong chương trình điều trị của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
2. Vận động và thể dục sao cho an toàn và hiệu quả?
– Khi lần đầu tiên được khuyến khích thể dục và vận động để điều trị bệnh, có nhiều cô bác cảm thấy lo lắng và bối rối vì lo sợ rằng vận động và thể dục có thể làm cho cô bác bị mệt. Để vận động sao cho an toàn nhưng vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn, cô bác cần nắm vững các nguyên tắc sau:
+ Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa hô hấp trước khi bắt đầu tập vận động.
+ Tốt nhất cô bác nên đến tập ở những đơn vị phục hồi chức năng hô hấp ở địa phương gần nơi cư trú để được hướng dẫn và giám sát. Tự tập luyện tại nhà thường có hiệu quả kém hơn nhưng cũng được khuyến khích nếu việc đi lại quá bất tiện.
+ Cần phải kiên nhẫn tập luyện, hiệu quả của vận động thường chưa thấy được qua vài lần tập đầu mà chỉ xuất hiện sau vài tuần.
+ Chỉ nên tập vừa với sức mình, mọi sự cố gắng quá mức đều không tốt. Nếu cảm thấy mệt lúc đang tập, có thể tạm nghỉ ngắn rồi tiếp tục vận động.
+ Mỗi người bệnh đều rất khác biệt nhau ở mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe chung, các bệnh lý đi kèm…vì vậy các kỹ thuật viên sẽ cùng với cô bác chọn lựa loại hình tập vận động, cường độ luyện tập và tốc độ luyện tập sao cho phù hợp với từng người.
+ Nên đặt ra chỉ tiêu cho mỗi lần tập, lần sau cao hơn lần trước, ví dụ hôm nay đi bộ được 15 phút thì sẽ cố gắng đạt 20 phút ở những lần sau và cứ thế tăng dần. Điều này giúp cô bác tăng dần khả năng vận động và có cảm giác vui khi hoàn thành công việc. Nếu chưa hoàn thành được bài tập, đừng quá thất vọng, chán nản: cô bác sẽ thích nghi dần với việc luyện tập.
3. Các yêu cầu cần thiết khi tập vận động như một phương pháp trị liệu trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
– Thời gian tập tối thiểu khoảng 6 – 8 tuần mới đạt được hiệu quả như mong muốn, mỗi tuần ít nhất 3 buổi tập (nếu cô bác tập được hàng ngày thì càng tốt). Mỗi buổi tập kéo dài khoảng 30 phút. Có nhiều cô bác chưa quen không tập nổi liên tục 30 phút có thể xen kẻ những khoảng nghỉ ngắn và tăng dần thời lượng tập ở những lần sau. Nếu chỉ tập 1 buổi mỗi tuần hoặc tập ít hơn 20 phút mỗi ngày cô bác sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
– Sau khi tập được khoảng 6 – 8 tuần, cô bác thường sẽ đạt được hiệu quả diều trị tức là giảm bớt khó thở, thấy người khỏe khoắn hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và có thể làm tốt những việc cần gắng sức. Nếu sau đó cô bác vẫn tiếp tục tập luyện thì hiệu quả này sẽ được duy trì. Thời gian tập càng lâu, hiệu quả đạt được càng kéo dài. Nếu cô bác ngưng tập, hiệu quả này sẽ giảm dần và mất đi sau đó.
– Nên cố gắng tập vận động ở cường độ cao nhưng chỉ trong chừng mực mà cơ thể có thể chịu đựng được, đừng gắng sức quá mức. Có nhiều cô bác dễ bị mệt khi gắng sức nên dùng thuốc giãn phế quản (bơm 2 nhát thuốc Ventolin hoặc Berodual hay phun khí dung) trước khi tập. Cô bác cũng có thể kết hợp với thở oxy lúc đang tập để giúp cho việc tập luyện dễ dàng hơn.
3. Nội dung của các bài tập thể dục và vận động như thế nào?
– Mỗi buổi tập vận động thường kéo dài ít nhất 30 phút, luôn bao gồm 3 phần:
+ Khởi động: Làm tăng dần nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt…giúp cơ thể chuẩn bị, có thời gian thích nghi với vận động,
+ Thực hiện bài tập: Bao gồm bài tập tay và chân.
+ Thư giãn: Làm giảm dần nhịp tim, nhịp thở giúp cơ thể người bệnh dần dần trở lại trạng thái bình thường.
a. Các động tác khởi động
Thường bao gồm các động tác tay và chân nhẹ nhàng để giúp cơ thể “làm nóng”, chuẩn bị cho phần vận động chính. Các động tác sau đây thường được dùng:
Nếu cô bác không đứng được lâu, có thể chọn cách tập ngồi trên ghế
b. Thực hiện bài tập
– Luyện tập vận động bao gồm cả tập vận động tay và vận động chân. Vận động chân giúp tăng cường sức lực các bắp thịt ở chân, tăng cường độ dẻo dai của toàn cơ thể, cải thiện chức năng tim – phổi và quan trọng nhất là tăng cường sự năng động và tự tin. Còn vận động tay sẽ giúp tăng cường sức lực và độ dẻo dai của các bắp thịt ở vai và cánh tay nhờ đó hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp. Ngoài ra các bài tập tay còn giúp cô bác thực hiện dễ dàng những động tác thường ngày như nấu nướng, quét dọn, tắm rửa, chải tóc…
– Thực hiện các bài tập vận động thường gồm hai phần:
+ Vận động tăng sức bền: Tập các động tác lập đi lập lại kéo dài nhằm mục đích luyện tập cho cơ thể sự dẻo dai, bền bỉ, luyện tập sức chịu đựng.
Bài tập chân: Đi bộ, thảm lăn, xe đạp, xe đạp lực kế…
Bài tập tay: Máy tập quay tay…
+ Vận động tăng sức cơ: Tập các động tác có kháng lực hoặc chịu đựng trọng lượng nhằm tăng cường lực của một số nhóm cơ cần thiết.
Bài tập chân: Tập giữ thăng bằng, Tập ngồi – đứng, tập đi cầu thang, tập nâng chân có trọng lực…
Bài tập tay: Nâng tạ. Lúc mới bắt đầu có thể cầm các vật dụng nhẹ thay cho tạ (như chai nước…) có trọng lượng khoảng vài trăm gram đến nửa ký, sau đó tăng dần lên tạ 1kg, 2kg, 3kg…
c. Các động tác thư giãn
-Sau khi thực hiện các bài tập vận động chính như đạp xe, đi thảm lăn hay nâng tạ…, trước khi ngừng tập cần thực hiện các động tác nhẹ nhàng, chậm dần nhằm “làm nguội” cơ thể để trở về trạng thái bình thường. Ở phần này, nên chọn lựa các động tác căng – giãn như sau:
4. Những điều cần lưu ý khi tập vận động
– Trong khi tập, đừng quên động tác THỞ CHÚM MÔI với thời gian thở ra gấp 2 lần thời gian hít vào.
– Không nên ăn quá no trong vòng 1 – 2 giờ trước khi tập.
– Nên uống nước đủ trong lúc tập.
– Nếu cô bác tập tại các đơn vị phục hồi chức năng hô hấp, cô bác sẽ được theo dõi nhịp tim, huyết áp và lượng oxy trong máu trong lúc luyện tập.
– Nếu khó thở xuất hiện trong lúc tập: thở chậm lại, tập trung vào việc thở chúm môi với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Cô bác sẽ nhanh chóng có đủ oxy cần thiết cho cơ thể.
– Cô bác nên ngưng tập khi xuất hiện các triệu chứng:
+ Đau ngực.
+ Khó thở nhiều và không cải thiện sau khi dừng lại vài phút.
+ Đau chân kiểu co thắt.
+ Cảm giác choáng váng, lảo đảo, vã mồ hôi.
và nên hỏi ý kiến bác sĩ để có những lời khuyên và trợ giúp thích hợp trước khi tiếp tục tập vận động.
Tóm lại, tập thể dục và vận động đúng cách và an toàn được xem là một phương pháp chữa trị không dùng thuốc của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vừa rẻ tiền lại vừa hiệu quả nên được cô bác áp dụng một cách đều đặn và thường xuyên.
Hội hô hấp TP Hồ Chí Minh
Để lại một phản hồi