Tất cả trẻ này nên được chuyển vào đơn vị chăm sóc đặc biệt. Các nguy cơ thường gặp: hạ thân nhiệt, kém hấp thu, RGO, ngưng thở, hội chứng suy hô hấp và viêm ruột hoại tử.
1.Trẻ cân nặng 2-2,5 kg (35-36 tuần tuổi)
Những trẻ này có khả năng tự bú mẹ và ổn định thân nhiệt tốt. Bắt đầu cho bú ngay giờ đầu sau sinh. Cần khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Luôn giữ ấm cho trẻ. Cần theo dõi sát để phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng.
2. Trẻ < 2 kg (< 35 tuần tuổi)
Trẻ có tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ càng cao.
Nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cũng thường gặp trên nhóm trẻ này. Cần thăm khám trẻ ít nhất 2 lần/ngày để đánh giá khả năng bú, khả năng hấp thu, các dấu hiệu nguy hiểm hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào thì trẻ cần được theo dõi sát. Xử trí các vấn đề thông thường sẽ được bàn dưới đây.
Phòng ngừa hạ thân nhiệt
Trẻ sơ sinh nhẹ cân (< 2.000g) lâm sàng ổn định nên chăm sóc Kangaroo ngay khi vừa sinh và liên tục cả ngày lẫn đêm. Chăm sóc Kangaroo bao gồm:
- Chỉ cho trẻ mặc tã, nón và vớ
- Đặt trẻ da liền da trên ngực mẹ, giữa hai vú và quay đầu sang một bên
- Cột trẻ vào mẹ bằng một tấm vải
- Bao phủ trẻ và mẹ bằng quần áo của mẹ
- Khuyến khích mẹ cho trẻ bú thường xuyên
Mục tiêu giữ nhiệt độ trung tâm 36-37oC, chân ấm và hồng
Nếu mẹ không thể chăm sóc Kangaroo thì có thể sử dụng lồng ấp cho trẻ. Lồng ấp phải được sát khuẩn thường xuyên và thiết kế đơn giản giúp cho sự chăm sóc được tiện lợi và dễ dàng.
Dinh dưỡng
Phần lớn những trẻ nhẹ cân vẫn có khả năng tự bú mẹ. Trẻ nào có thể tự bú được thì cho bú sữa mẹ. Trẻ nào không bú được thì vắt sữa mẹ ra ly và đút bằng muỗng. Trẻ không thể ăn bằng muỗng (trẻ bị sặc, không nuốt được,…) thì phải nuôi ăn thông qua sonde dạ dày.
Nên khuyến khích cho trẻ bú mẹ. Trong những trường hợp mẹ không có sữa hoặc chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ, có thể dùng sữa mẹ từ ngân hàng sữa (nếu có). Sữa công thức chỉ được khuyến cáo sử dụng khi các cách trên đều không thể thực hiện được.
Dinh dưỡng cho trẻ <1,5 kg
Nhóm trẻ này nguy cơ cao trong vấn đề dinh dưỡng và viêm ruột hoại tử. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ càng cao.
- Ngày đầu tiên, cho trẻ ăn 10ml/kg/ngày qua sonde dạ dày, ưu tiên sữa mẹ được vắt ra, nhu cầu dịch còn lại 50ml/kg/ngày bằng đường tĩnh mạch. Nếu trẻ khỏe và linh hoạt, không nên truyền tĩnh mạch, cho ăn 2-4 ml sữa mẹ mỗi 2 giờ qua sonde mũi dạ dày tuỳ thuộc cân nặng của trẻ .
- Nếu trẻ không thể dung nạp sữa qua đường ruột, truyền tĩnh mạch 60ml/kg/ngày trong ngày đầu tiên. Tốt nhất nên dùng máy đếm giọt 60 giọt = 1ml, tương ứng 1 giọt/phút = 1ml/giờ.
- Đối với ở trẻ ngưng thở, li bì, co giật, cần kiểm tra đường huyết mỗi 6 giờ đến khi trẻ có thể dung nạp sữa qua đường ruột. Trẻ rất nhẹ cân nên cho thêm đường truyền glucose 10%.
- Bắt đầu cho trẻ ăn lại qua sonde dạ dày khi tình trạng trẻ ổn định: không bị chướng bụng, có nhu động ruột, tiêu phân su, không bị ngưng thở.
- Tính toán chính xác số lượng sữa và số lần cho ăn qua
- Nếu trẻ dung nạp sữa tốt thì tăng lượng sữa lên mỗi ngày.
- Khi mới bắt đầu nuôi ăn, cho 2-4 ml/1-2 giờ bằng sonde dạ dày.
- Một số trẻ khoẻ có thể ăn được bằng muỗng hay ống nhỏ giọt, các dụng cụ cho trẻ ăn cần phải được khử trùng trước khi sử dụng. Chỉ nên cho trẻ dùng sữa mẹ. Nếu trẻ ăn 2-4 ml mà không nôn, không trướng bụng, và dịch dư dạ dày < 50% thể tích sữa ban đầu thì có thể tăng lên 1-2 ml/lần mỗi ngày. Giảm hay ngừng cho ăn nếu có bất kỳ dấu hiệu bất dung nạp sữa. Trẻ dung nạp sữa tốt trong 5-7 ngày đầu có thể hạn chế nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch phòng tránh nhiễm trùng.
- Trong 2 tuần tuổi đầu tiên, trẻ có thể dung nạp 150-180 ml/kg/ngày (mỗi 3 giờ: đối với trẻ 1 kg thì 19-23 ml, trẻ 1,5 kg từ 28-34 ml). Những ngày sau đó, thể tích sữa được tính tuỳ theo cân nặng của trẻ.
Cung cấp yếu tố vi lượng hàng ngày khi trẻ dung nạp tốt sữa mẹ:
- Vitamin D 400 IU
- Calci 120-140 mg/kg
- Photpho 60-90 mg/kg
Khi trẻ 2 tuần tuổi thì cung cấp thêm sắt với liều 2-4 mg/kg/ngày đến 6 tháng tuổi.
Để lại một phản hồi