Theo y học cổ truyền, kiết lỵ là hội chứng thuộc phạm vi chứng “Lỵ tật”, do trực khuẩn lỵ hay amip gây nên. Kiết lỵ có 2 thể: thể cấp tính do thấp nhiệt, hàn thấp gây ra; thể mạn tính do tỳ vị hư hoặc bệnh lâu ngày không chữa.
Dưới đây sẽ giới thiệu một số bài thuốc điều trị theo từng nguyên nhân bệnh.
-
Contents
Lỵ cấp tính:
a. Do thấp nhiệt (xích bạch lỵ):
- Triệu chứng: sốt, sợ lạnh, miệng khô đắng, đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện ra máu lẫn nhầy, tiểu nhiều ngắn đỏ, mạch hoạt sác hoặc nhu sác.
- Phương pháp chữa: Thanh nhiệt táo thấp, hoạt huyết hành khí.
- Các bài thuốc:
Bài 1: bài “Viên khổ luyện – đại hoàng” gồm: khổ luyện tử, hoàng liên gai, hạt dưa hấu, bồ kết, hạt cau, đại hoàng, mỗi thứ 20g. Đem tán bột, uống 20g/ngày, chia 2 lần.
Bài 2: bài “Thược dược thang bỏ quế chi gia giảm” gồm: kim ngân hoa: 20g; hoàng cầm: 12g; hoàng liên: 12g; bạch thược: 8g; đương quy: 8g; mộc hương: 6g; binh lang: 6g; cam thảo: 6g; đại hoàng: 4g.
Ngoài ra phối hợp châm tả tại huyệt trung quản, thiên khu, đại hoành, đại trường du, túc tam lý, hợp cốc, phục lưu, nội đình, công tôn.
b. Do hàn thấp (bạch lỵ):
- Triệu chứng: bụng đau liên miên, mót rặn, đại tiện ra nhầy nhiều, ít máu, rêu lưỡi trắng dày, mạch nhu hoãn.
- Phương pháp chữa: ôn trung hóa thấp, kiện tỳ, hành khí.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: hoàng liên gai, khổ luyện tử, binh lang, trần bì, ngô thù: mỗi vị 100g; anh túc xác: 20g. Tán thành bột uống 20g/ngày.
Bài 2: bài “Bất hoàn kim chính tán” gồm: thương truật: 12g; hoắc hương, bán hạ chế: mỗi vị 8g; hậu phác, trần bì, mộc hương, sa nhân: mỗi vị 6g; nhục quế, gừng: mỗi vị 4g; đại táo: 4 quả. Sắc uống 1 thang/ngày.
Ngoài ra phối hợp châm bổ tại huyệt thiên khu, đại hoành, tỳ du, túc tam lý, tam âm giao.
c. Do dịch độc:
- Triệu chứng: đột ngột, đại tiện ra máu nhiều, sốt cao, rêu lưỡi vàng dày, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Nặng thì hôn mê, co giật hoặc trụy mạch.
- Phương pháp chữa: thanh nhiệt giải độc. Nặng thì phải cấp cứu theo y học hiện đại.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: rau sam, cỏ sữa lá nhỏ: mỗi vị 400g; hạt cau, lá mơ lông, củ phượng vĩ: mỗi vị 100g. Tán thành bột uống 20g/ngày.
Bài 2: gồm: phèn đen: 20g, củ phượng vĩ: 20g, vỏ rụt: 10g. Đem sao đen sắc đặc, uống 1 thang/ngày.
Bài 3: bài “Viên rau sam – cỏ nhọ nồi” gồm: cỏ nhọ nồi: 50g, rau sam: 40g, chỉ xác, hạt cau, lá trắc bá, vỏ rụt, hoa hòe: mỗi vị 20g. Tán thành bột uống 20g/ngày với nước vối.
Bài 4: bài “Bạch đầu ông thang gia giảm” gồm: bạch đầu ông: 40g; kim ngân hoa, địa du: mỗi vị 20g; trần bì, hoàng bá, đan bì, xích thược: mỗi vị 12g; chỉ xác, mộc hương: mỗi vị 8g, hoàng liên: 4g.
Ngoài ra phối hợp châm tả tại huyệt khúc trì, hợp cốc, thượng cự hư, túc tam lý, nội đình, đại hoành.
2. Lỵ mạn tính (hưu tức lỵ):
- Triệu chứng: lỵ kéo dài, hay tái phát khi ăn uống không cẩn thận hoặc bị lạnh, đại tiện lúc lỏng lúc táo, có thể có nhầy hoặc sa trực tràng, bụng đau âm ỉ, thích chườm nóng, xoa bóp, sợ lạnh, sắc mặt xanh vàng, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược hoặc nhu hoãn.
- Phương pháp chữa: ôn bổ tỳ vị và cố sáp, thanh nhiệt trừ thấp nếu tái phát.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: khổ luyện tử: 100g; sáp ong: 500g, Buồng cau dũ (để làm áo). Tán bột làm thành viên hoàn, uống 10g/ngày, chia 2 lần.
Bài 2: bài “Viên nha đam tử” gồm: nha đam tử, bách thảo xương, sáp ong: liều như nhau. Tán nhỏ làm thành viên hoàn uống 10g/ngày.
Bài 3: bài Chân nhân dưỡng tạng thang” gồm: đảng sâm, bạch truật, đương quy: mỗi vị 12g; gừng nướng, nhục đậu khấu, thạch lựu bì, kha tử, mộc hương, cam thảo: mỗi vị 6g; nhục quế: 4g. Sắc uống 1 thang/ngày.
Bài 4: bài “Ô mai hoàn gia giảm” dùng khi lỵ tái phát gồm: đảng sâm: 16g; đương quy, hoàng liên, hoàng bá: mỗi vị 12g; ô mai: 8g; xuyên tiêu, tế tân, can khương, phụ tử chế, quế chi: mỗi vị 6g. Tán thành bột uống 20g/ngày.
Ngoài ra phối hợp cứu tại các huyệt quan nguyên, khí hải, thiên khu, túc tam lý, thận du, thái bạch…
Để lại một phản hồi