ĐUỐI NƯỚC

I. ĐẠI CƯƠNG

–    Tai nạn đuối nước đang gia tăng và thực sự là một vấn đề đáng lo ngại trong cộng đồng, nó gây ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố: trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ tử vong do đuối nước càng tăng cao.

–    Đuối nước là quá trình tổn thương đường hô hấp do phần mặt hoặc toàn bộ cơ thể bị ngập trong chất lỏng. Đây là một tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày.

–    Đuối nước hay gặp vào mùa hè, thường xảy ra ở các bể bơi, ao, hồ, sông ngòi, biển… Việc sơ cứu ban đầu đúng và kịp thời là hết sức quan trọng góp phần cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ biến chứng và di chứng.

–    Khi mới chìm trong nước, theo phản xạ bệnh nhân sẽ ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy trong máu làm cho tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Tùy thuộc sức chịu đựng của bệnh nhân sau khoảng từ 20 giây đến 2 phút thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào phổi và bụng một lượng lớn gây co thắt thanh quản tức thì và xuất hiện cơn ngừng thở lần 2 kèm theo mất ý thức ngay. Sau đó các nhịp thở không còn chủ ý khiến cho nước và dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

–    Các yếu tố  tiên  lượng: hồi sức cho bệnh nhân ngạt nước nhanh, đúng và hiệu quả sẽ làm cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh. Nhiều nghiên cứu cố gắng tìm các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng để đánh giá tiên lượng bệnh nhân ngạt nước nhưng chưa có yếu tố nào đủ mạnh để tiên đoán. Tuy nhiên, bảng điểm Orlowski thường đựơc dùng hơn vì có liên quan mật thiết đến khả năng hồi phục của não:

+   Nhỏ hơn 3 tuổi (5 tuổi).

+   Thời gian chìm trong nước trên 5 phút.

+   Thời gian hồi sức lâu hơn 5 phút.

+   Hôn mê sâu: Glasgow < 5 điểm.

+   Toan máu nặng: pH < 7,2.

Tương ứng với mỗi yếu tố là 1 điểm, nếu tổng điểm ≤ 2 thì khả năng 90% bệnh nhân ngạt nước hồi phục hoàn toàn, ngược lại tổng điểm ≥ 3 thì khả năng hồi phục chỉ còn 5%.

Hạ thân nhiệt (< 320C) cũng được một số tác giả xem như là một yếu tố tiên lượng nặng nhưng các nghiên cứu ở người bị ngạt nước, thân nhiệt hạ không đủ để làm giảm chuyển hoá ở não trước khi tình trạng thiếu oxygen không hồi phục và thiếu máu nuôi xảy ra.

II. CÁC HÌNH THÁI LÂM SÀNG CỦA ĐUỐI NƯỚC

2.1.     Ngạt nước

–    Nạn nhân bị chìm trong nước vùng vẫy trong vài phút, uống nhiều nước vào dạ dày và hít nhiều nước vào phổi rồi ngừng thở sau đó ngừng tim, toàn thân xanh tím (ngất tím).

–    Bọt hồng sùi đầy mồm, vớt nạn nhân lên bọt hồng trào ra.

2.2.     Nước giật

–    Hay gặp trong hoàn cảnh nạn nhân bị rơi xuống nước đột ngột (rơi mạnh).

–    Lâm sàng thường biểu hiện dưới hai mức độ:

+   Mức độ nhẹ:

  • Cảm giác ớn lạnh, khó chịu, cảm giác co thắt ngực bụng.
  • Buồn nôn, chóng mặt sau đó nhức đầu nôn, có khi nổi mề đay.

+   Mức độ nặng:

  • Có thể do mức độ nhẹ chuyển thành với các triệu chứng tụt huyết áp, ngất.
  • Có thể đang bơi đột ngột bị ngất (ngất trắng) nạn nhân chìm luôn, không kêu cứu được.

2.3.     Hội chứng sau ngạt nước

–    Sau khi đã thở lại, tim đập lại (do cấp cứu tại chỗ) nạn nhân còn bị đe doạ do xuất hiện biến chứng và vẫn có nguy cơ tử vong.

–    Các triệu chứng thường gặp:

+   Giảm thân nhiệt.

+   Rối loạn thần kinh do thiếu oxy não: lẫn lộn, lơ mơ, hôn mê, co giật.

+   Tụt huyết áp.

+   Phù phổi cấp.

+   Viêm phổi.

III. CẬN LÂM SÀNG

–    Công thức máu: hematocrit tăng, hồng cầu tăng.

–    Xét nghiệm khí máu: pH máu giảm, PaCO2 tăng.

–    Sinh hóa máu: glucose máu tăng.

IV. CẤP CỨU BAN ĐẦU

4.1.     Nguyên tắc chung

–    Sơ cứu tại chỗ, tích cực, đúng phương pháp.

–    Kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ.

–    Đảm bảo sớm cung cấp oxy cho bệnh nhân.

–    Xử trí các rối loạn tim mạch, hô hấp và chuyển hóa.

4.2.     Xử trí cụ thể

–    Cấp cứu ngay khi còn ở dưới nước:

+   Nắm tóc kéo đầu bệnh nhân nhô lên khỏi mặt nước.

+   Tát thật mạnh 2 – 3 cái vào má bệnh nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở trở lại.

+   Quàng tay qua nách rồi lôi lên bờ.

–    Khi đã đưa bệnh nhân lên bờ :

+   Để bệnh nhân nằm ưỡn cổ, lấy khăn lau sạch đờm dãi, dị vật trong miệng (bùn, đất).

+   Nếu bệnh nhân còn thở và tim còn đập: đặt bệnh nhân nằm đầu thấp cho nước dễ tiếp tục thoát ra. Theo dõi huyết áp, mạch, dùng thuốc trợ tim mạch khi cần.

+     Nếu bệnh nhân ngừng thở, tim ngừng đập: tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt miệng – miệng (kỹ thuật xem trong bài điện giật) cho đến khi tim đập trở lại, bệnh nhân có thể tự thở được.

–    Khi bệnh nhân đã tự thở được, tim đập lại thì chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị những biến chứng muộn có thể xảy ra sau khi ngạt nước (hội chứng sau ngạt nước).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*