Quá trình giao tiếp và tư vấn trong y học

Quá trình giao tiếp và tư vấn trong y học

  1. Giao tiếp là gì

Giao tiếp là một quá trình hoạt động trao đổi thông tin giữa người và người bằng một hệ thống thông tin chung như lời nói, cử chỉ, điệu bộ hay hành vi nhằm đạt được một mục đích nào đó. Thông thường, giao tiếp trải qua ba trạng thái:

  • Trao đổi thông tin, tiếp xúc tâm lý
  • Hiểu biết lẫn nhau
  • Tác động và ảnh hưởng lẫn nhau

Giao tiếp là một kĩ năng, do đó giao tiếp là một hành vi xã hội, cần phải được rèn luyện, trau dồi lâu dài mới có được.

Với người thầy thuốc, có giao tiếp với người bệnh, giao tiếp với người thân của người bệnh và giao tiếp với đồng nghiệp. Giao tiếp với người bệnh là sự tương tác có mục đích và có trọng tâm nhằm vào các nhu cầu của người bệnh, giúp người bệnh diễn tả được cảm xúc và các vấn đề liên quan đến bệnh lý, điều trị hay chăm sóc.

Có hai hình thức giao tiếp:

  • Giao tiếp bằng lời: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
  • Giao tiếp không lời: là sự giao tiếp biểu hiện qua ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, nụ cười, vận động cơ thể, phong cách…
  1. Tư vấn là gì

Tư vấn là tiến trình tương tác giữa người tư vấn và người được tư vấn, trong đó người tư vấn sử dụng kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp của mình giúp người được tư vấn thấu hiểu hoàn cảnh của mình và tự giải quyết vấn đề của mình.

Có thể tóm tắt khái niệm tư vấn bằng 4 chữ T: tiến trình, tương tác, thấu hiểu, tự giải quyết.

  • Tiến trình: tư vấn cần một khoảng thời gian tương đối dài, có thể không phải chỉ gặp gỡ một lần mà có khi rất nhiều lần mới có kết quả rõ rệt. Tư vấn là một tiến trình bởi nó là một hoạt động mở đầu, có diễn biến và có kết thúc.
  • Tương tác: tư vấn không phải là người cán bộ khuyên bảo người được tư vấn phải làm gì, mà đó là một cuộc tao đổi hai chiều
  • Thấu hiểu: tư vấn giúp người được tư vấn nhận ra mình là ai, đang ở trong hoàn cảnh nào, có thế mạnh, có điểm nào, đã sử dụng những biện pháp gì cho tình huống của mình, tại sao chưa có kết quả, những cái được và cái mất khi sử dụng một biện pháp nào đó.
  • Tự giải quyết: tư vấn không phải là quyết định thay. Trên cơ sở thấu hiểu hoàn cảnh của mình, người được tư vấn phải cân nhắc, lựa chọn biện pháp nào phù hợp nhất cho bản thân mình.

Tư vấn tốt của người cán bộ y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe sẽ giúp cho cán bộ y tế duy trì mối liên hệ chặt chẽ với bệnh nhân và gia đình người bệnh, giúp cho người bệnh và gia đình hiểu biết hơn về bệnh tật của mình, để tin tưởng yên tâm điều trị.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*